Những bể nuôi phải tạo được một môi trường phù hợp để cho ốc mượn hồn yên tâm sinh sống. Trong đó, độ ẩm và nhiệt độ là một phần quan trọng. Duy trì được một nhiệt độ và độ ẩm ổn định cho bể nuôi ốc mượn hồn không phải là một vấn đề đơn giản. Thời tiết luôn biến đổi theo từng quãng thời gian, từng khu vực riêng biệt nên khi không theo dõi thường xuyên, rủi ro rất dễ xảy ra.
Mặc dù bể được đặt trong nhà, sự biến thiên của độ ẩm, nhiệt độ sẽ thấp hơn so với môi trường hoang dã tự nhiên song đừng vì thế mà chủ quan bạn nhé.
Trước khi thực hiện thì bạn nên tham khảo những vật dụng cần thiết cho việc chăm sóc ốc mượn hồn.
1. ĐỘ ẨM BỂ NUÔI ỐC MƯỢN HỒN
Độ ẩm: Ốc mượn hồn hoạt động tốt ở độ ẩm trong không khí từ 80-90% và tối thiểu 70%. Có nhiều cách để tăng độ ẩm trong bể nhưng mình chia thành 2 loại chính là tăng độ ẩm tức thời và tăng độ ẩm lâu dài:
– Cách tăng độ ẩm tức thời: Cách này hiệu quả nhanh, dễ thực hiện nhưng mất nhiều công sức.
+ Phun sương tạo độ ẩm cho chất nền mỗi ngày. Bạn sẽ dùng bình phun sương phun đều lên nền bể, tránh phun lên máng thức ăn. Cách này thực sự đơn giản và tiết kiệm chi phí, tuy vậy nó cũng không hiệu quả nhiều trong khí hậu lạnh và khô (như mùa đông ở miền Bắc) vì nước trong đất sẽ khó bốc hơi tạo độ ẩm. Hằng ngày bạn nên phun sương trong khoảng 11-12h sáng và 6-7h tối.
+ Dùng miếng vải ướt phủ lên trên bể: Đây cũng là một cách tăng độ ẩm cho bể nuôi ốc mượn hồn. Bạn dùng 1 chiếc khăn mặt, thấm nước đủ ẩm rồi phơi lên những tảng đá, khúc gỗ lũa trong bể.
+ Bọt biển: Một miếng bọt biển tự nhiên có thể được dùng để tạo độ ẩm tốt trong bể. Tuy nhiên cũng như phương pháp phun sương lượng nước trong miếng bọt sẽ thực sự khó bốc hơi nếu không có ánh nắng hay nhiệt độ của đèn và mỗi tuần bạn phải thay bọt biển một lần để tránh tích tụ vi khuẩn gây hại trong bể.
– Cách để tăng độ ẩm lâu dài: Bạn có thể dùng những cách sau để tăng độ ẩm:
+ Máy phun sương tạo độ ẩm: Rất ít người chơi đầu từ một khoản chi phí kha khá để mua thiết bị trong bể nuôi ốc. Tuy vậy nếu bạn có điều kiện kinh tế khá giả thì nên đầu tư một chiếc máy tạo độ ẩm để bơm sương vào hay thậm chí bạn có thể dùng những chiếc máy mini để có thể đặt ngay trong bể.
+ Đặt thác nước trong bể: Nếu bạn có một chiếc bể đủ lớn thì một thác nước nhân tạo trong bể có thể là một lựa chọn tuyệt vời. Cũng giống với cách dùng máy tạo độ ẩm, cách này có nhược điểm hơi phức tạp và tốn nhiều kinh phí.
Vậy khi độ ẩm cao quá thì sao? Trường hợp này xử lý cũng khá đơn giản. Bạn nên đặt bể ốc ra nơi thoáng gió, có chút ánh sáng mặt trời. Bỏ những phụ kiện trong bể ra (Đá tảng, gỗ lũa, máng thức ăn,…) Đợi đến khi nào ẩm vừa đủ thì mang đặt lại trong nhà.
2. NHIỆT ĐỘ BỂ NUÔI
Nhiệt độ thích hợp để duy trì trong hồ là 30-35 độ C
Cách duy trì:
– Nếu nhiệt độ quá cao (>40 độ C) bạn có thể phun sương vào bể để làm giảm nhiệt độ tức thì. Thường thì trường hợp này khá hiếm, khi nhiệt độ quá cao, ốc mượn hồn sẽ đào xuống sâu dưới lớp nền.
– Nếu nhiệt độ quá thấp (<20 độ C – Các bạn miền Bắc nên chú ý điều này) thì sẽ đặc biệt gây hại cho ốc mượn hồn. Khiến cho ốc rơi vào tình trạng ít hoạt động hoạt, ngủ đông và có thể gây chết ốc.
Cách giải quyết:
+ Chiếu sáng bằng đèn sợi đốt: Đèn sợi đốt là một lựa chọn tuyệt vời cho việc tăng nhiệt đôi trong bể bởi vì cách này vừa tiết kiệm đồng thời cung cấp ánh sáng cho bể. Bạn sử dụng loại đèn 25W là hợp lý, đặt ở góc bể nơi ốc không chạm tới được – ốc mượn hồn có thể bò lên và bị bỏng. Nếu nhiệt độ quá thấp thì bạn có thể thắp sáng 24/24, còn lại chỉ nên thắp đèn vào khoảng 17h-21h tối.
+ Ngoài ra bạn có thể sử dụng loại đèn chụp dùng cho bò sát nhưng phải là loại có công suất nhỏ nhất và chú ý kiểm soát nhiệt độ trong bể.
+ Đặt những loại phụ kiện như xơ dừa, rêu vào trong bể để ốc có chỗ tránh rét.
Chúc các bạn thành công