TRÀO LƯU NUÔI ỐC MƯỢN HỒN CỦA GIỚI TRẺ 1

TRÀO LƯU NUÔI ỐC MƯỢN HỒN CỦA GIỚI TRẺ

Thời gian gần đây, những bạn trẻ đang rộ lên thú chơi hấp dẫn, đó là trào lưu nuôi Ốc mượn hồn. Ốc mượn hồn (cua ẩn sĩ, tôm kí cư,…) thực chất là một loại tôm (hoặc cua) có thân hình mềm yếu, chỉ có 2 chiếc càng nhỏ để tự vệ nên dễ bị tổn thương, chúng phải tìm một vỏ ốc để tránh khỏi những kẻ săn mồi hoang dã. Chính vì đặc tính nửa tôm, nửa cua lại mang trên mình chiếc vỏ ốc biển màu sắc nên loài ốc mượn hồn đã lọt vào mắt xanh những tay chơi trong giới đam mê thủy sinh. Tuy nhiên, để có thể nuôi được loài ốc mượn hồn này, cũng đòi hỏi người chơi phải mất nhiều công sức tìm hiểu và chăm sóc cũng như thời gian, tiền bạc.

ĐỘC, LẠ NHỮNG CHÚ ỐC MƯỢN HỒN

Trước đây khoảng 10-15 năm, các bạn có thể bắt gặp hình ảnh những người bán hàng rong đạp xe đạp với những chiếc lồng sắt chở đầy ốc mượn hồn. Khi đấy hình ảnh những con ốc mượn hồn nhỏ xinh, đầy màu sắc đã in đậm trong tâm trí nhiều bạn trẻ, kể cả tác giả. Những bạn học sinh chỉ cần  bỏ số tiền ít ỏi từ 5-10K là đã có thể sở hữu chúng mang về chơi. Thời điểm đó, chúng chưa phổ biến trên thị trường, ít người chơi và dường như không có nhiều thông tin về loại này.

Bạn Nguyễn Ngọc Long – một “tín đồ” của ốc mượn hồn ở Hà Nội cho biết: “Thay vì nuôi chó cảnh, mèo cảnh, em lại đang mê mẩn nuôi ốc mượn hồn. Đây là một loại ốc thủy sinh độc đáo, không phải ai cũng nuôi được. Cái thú của nuôi ốc mượn hồn chính là vẻ đẹp hút hồn cũng như “tập quán” kỳ lạ của chúng. Dân chơi ốc quan niệm rằng, nuôi ốc mượn hồn để rèn luyện bản tính tỷ mẩn và tạo cho mình có một không gian thể hiện óc nghệ thuật”.

Bạn dẫn chúng tôi đến một cửa hàng bán sinh vật cảnh trên phố Hồ Tùng Mậu, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy. Cửa hàng “Ốc Mượn Hồn Hà Nội” này bày bán các loại ốc mượn hồn, cua biển, các loại phụ kiện: Gỗ lũa, hòn đá non bộ,… Nhưng độc đáo nhất đó là những bể kính được trang trí bằng nghệ thuật sắp đặt với những viên đá, rong rêu và hòn non bộ. Đó là bể nuôi ốc mượn hồn độc đáo với đủ các màu xanh, trắng.

“Em đã phải nghiên cứu, tìm hiểu rất nhiều. Thậm chí, em còn phải sang các web của nước ngoài để dịch về những bài hướng dẫn cách nuôi, chăm sóc ốc mượn hồn. Sau một thời gian, em hiểu hơn về loài này và bắt đầu mở bán” Bạn chủ Shop Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ.

Giá của loại ốc này trước đây rất rẻ. Khoảng 10 năm về trước, một con ốc mượn hồn có giá khoảng 5.000VNĐ, con to nhất cũng chỉ khoảng 20.000VNĐ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, khi giới trẻ đổ xô vào chơi loại động vật này, cộng với việc môi trường sống tự nhiên loài này bị thu hẹp, khiến giá của chúng bị đẩy lên rất cao. Một con ôc nhỏ baby được bán với giá 30.000 VNĐ. Con dài khoảng 5cm được bán với giá 50.000VNĐ. Thậm chí ốc to, khỏe, màu sắc bắt mắt như loài Perlatus, Brevimanus có thể bán hơn 100.000VNĐ/con. Loại ốc đặc biệt này khiến nhiều người lùng sục tìm mua dù giá lên đến hàng trăm nghìn một con.

Ốc mượn hồn có nhiều loại khác nhau, có cả loại trong nước và nhập khẩu. Và mỗi loại đều khác về màu sắc, càng, đốt chân, râu, mắt… nên sẽ mang vẻ đẹp khác nhau. Tuy nhiên, những con ốc mượn hồn có nguồn gốc ở nước ta giá bao giờ cũng rẻ hơn nhiều so với loại ốc nhập khẩu. Các loài nhập khẩu ( Ốc Mượn Hồn Loài Coenobita Purpureus) giá có thể lên đến 2-3 triệu đồng/con vẫn có rất nhiều người mua. Thậm chí, nhiều khách hàng còn mua hàng vài chục con ốc về bỏ bể kính nuôi làm cảnh.

TRÀO LƯU NUÔI ỐC MƯỢN HỒN CỦA GIỚI TRẺ 2

Nguyễn Hoa Anh cho biết: Ốc mượn hồn có bụng mềm không đối xứng, đó là một loại tôm hoặc cua với những cái chân và càng dài lêu nghêu. Đặc biệt, bụng của loại tôm này rất dễ bị tổn thương nên chúng phải tìm một cái vỏ bọc để bảo vệ. “Tấm áo giáp” ấy có thể là lớp vỏ sò rỗng, mảnh gỗ, đá có lỗ rỗng nhưng loại ưa thích nhất của chúng là vỏ ốc biển. Cơ thể của chúng có thể rút thò ra thụt vào trông rất ngộ nghĩnh.

Theo bạn nói, ốc mượn hồn rất dễ, không tốn tiền mua thức ăn như một số con vật khác. Cái khó là ốc mượn hồn không thể tự tạo được vỏ, vì vậy mà nó thường xuyên phải thay tấm áo giáp. Khi kích cỡ cơ thể của nó lớn dần thì nó sẽ phải tìm một vỏ lớn hơn và bỏ cái vỏ cũ. Vì vậy, người nuôi phải thường xuyên tìm những vỏ ốc phù hợp, mang về để cho chúng thay vỏ. Ốc mượn hồn là một loại khôn ngoan, nếu bắt gặp vài cái vỏ, chúng sẽ thử từng cái một, cái nào đẹp nhất nó mới chịu ở lại.

NUÔI ỐC MƯỢN HỒN – NGHỀ CHƠI CŨNG LẮM CÔNG PHU

LÀM BỂ NUÔI

Thú chơi ốc mượn hồn với những “tập quán” kỳ lạ của nó thực sự đã trở thành một lực hút khó cưỡng với những ai ưa thích sự mới mẻ và độc đáo. Tuy nhiên, nó cũng không hề dễ chơi và dễ nuôi. Loại ốc này có sức sống mãnh liệt ở ngoài tự nhiên, nhưng lại rất dễ chết khi sống trong môi trường nuôi nhốt.

Chúng tôi tìm hiểu tại một số nơi nuôi và kinh doanh sinh vật cảnh mới thấu hiểu được việc nuôi khó khăn thế nào. Anh Nguyễn Tuấn Anh – chủ cửa hàng sinh vật cảnh nức tiếng tại quận Cầu Giấy cho hay: “Người nuôi ốc mượn hồn phải nắm được các đặc tính để tạo ra một không gian sống lý tưởng cho chúng. Chỗ nuôi ốc là một bể kính hoặc một hộp nhựa lớn. Bể nuôi trải lớp cát cao gấp đôi vỏ ốc đang mang. Cát để nuôi ốc mượn hồn không nên dùng loại bán ngoài tiệm hay cát biển mà chỉ dùng cát xây dựng (cát nâu). Trong bể để một chậu (loại chuyên để trồng hoa lan), sau đó cắm thêm vài cây gỗ để ốc có thêm không gian sống. Không được để cát quá khô, độ ẩm phải cao để ốc đủ điều kiện trao đổi chất. Cách tốt nhất để tạo ra môi trường sống lý tưởng cho ốc mượn hồn có thể sống trên cạn chính là phải dùng bình phun sương phun nước thường xuyên để giữ độ ẩm cho nền bể.

TRÀO LƯU NUÔI ỐC MƯỢN HỒN CỦA GIỚI TRẺ 3

Ốc có nguồn gốc từ biển hay cửa biển, chính vì vậy, môi trường sống của chúng không thể thiếu được vị mặn. Ốc cần muối để cân bằng khoáng chất trong cơ thể, thiếu muối chúng sẽ lờ đờ, chậm chạp, suốt ngày chẳng chui ra khỏi vỏ. Đặc biệt, ốc cần muối để lột xác và thoát ra khỏi cái vỏ cũ để đi tìm một cái vỏ mới. Đối với việc nuôi ốc mượn hồn trên môi trường cạn thì đòi hỏi nhiều yếu tố hơn. Người ta thường cho thêm một máng nước muối để chúng ngâm mình, có thể rắc muối trắng vào nền bể vào ban đêm, mỗi tháng một lần. Người ta thường dẫn nước thủy triều hay pha muối với tỷ lệ 23/1.000 cho riêng vào một chiếc khay nước để tạo ra môi trường thuận lợi cho ốc sống. Bể nuôi ốc phải để nơi thoáng mát, không bị nắng rọi trực tiếp, tránh các loại côn trùng, kiến,…

Động vật này có bụng mềm không đối xứng, đó là một loại tôm hoặc cua với những cái chân và càng dài lêu nghêu. Đặc biệt, bụng của loại tôm này rất dễ bị tổn thương nên chúng phải tìm một cái vỏ bọc để bảo vệ. “Tấm áo giáp” ấy có thể là lớp vỏ sò rỗng, đá có lỗ rỗng nhưng loại ưa thích nhất của chúng là vỏ ốc biển.

Bể nuôi được thiết kế rất sinh động, bắt mắt. Người ta có thể đặt những hòn non bộ, những sinh vật dưới nước để làm vật trang trí, có người còn thiết kế sao cho bể ốc giống một thủy cung huyền ảo. Bể nuôi ốc mượn hồn thể hiện con mắt thẩm mỹ cũng như độ chịu chơi của người sưu tầm. Một con ốc có thể có giá tiền trăm, nhưng bể của chúng có thể lên đến vài triệu, tùy theo giá trị thẩm mỹ của bể.

LƯU Ý KHI NUÔI

Tuấn Anh cho biết ốc mượn hồn thật ra rất dễ nuôi, không khó như mọi người nghĩ. Dòng này sống cạn và ăn tạp, không bị mắc bệnh gì. Thời gian đầu vì chưa hiểu về chúng, nhiều người hay cho chúng sống trong nước nên chúng mới bị chết.

Ốc mượn hồn là một loại động vật ăn tạp. Đặc tính của loài ốc này là ăn đêm. Ban ngày chúng núp vào hốc đá ngủ, vì vậy, khoảng 20h hàng ngày mới bắt đầu cho ăn. Thức ăn cũng rất dễ kiếm, từ rau củ quả đến thịt, cá chúng đều ăn được. Thức ăn của chúng là trái cây chín ngọt, cơm, cá, thịt luộc. Mỗi ngày có thể cung cấp thêm vài lá rau má, khoai lang, lát chuối, xoài, đu đủ. Ngoài ra, cần cung cấp thêm bột canxi bằng cách thả vào chỗ nuôi vài miếng mai mực hoặc vỏ trứng giã nhỏ để ốc ăn dần. Ốc mượn hồn cũng không ăn thường xuyên, 2 ngày cho ăn một lần vào buổi tối. Và đặc biệt, việc chăm sóc không mất quá nhiều thời gian vì có thể nuôi chúng trong một bể và 6 tháng sẽ làm sạch môi trường sống của chúng một lần…

Ốc mượn hồn không thể tự tạo được vỏ, vì vậy mà nó thường xuyên phải thay tấm áo giáp. Quá trình tìm và thay “áo giáp” của loài vật này thực sự là một cuộc chiến gay go, khốc liệt. Khi kích cỡ cơ thể của nó lớn dần thì nó sẽ phải tìm một vỏ lớn hơn và bỏ cái vỏ cũ. Những con ốc thường sử dụng “chuỗi vị trí tuyển dụng” để tìm vỏ mới. Chúng thường kéo theo cả đội đi kiếm ăn, khi gặp một con khác có cái vỏ tốt hơn thì cả bọn sẽ nhào vào giành “nhà”. “Tập đoàn” ốc mượn hồn sẽ quây lại để đuổi con ốc chạy khỏi vỏ. Khi con ốc bỏ đi thì một con ốc trong đoàn sẽ được sở hữu chiếc vỏ đó và nhường lại cái vỏ của mình cho con nhỏ hơn trong đoàn.

Ốc sống theo bầy đàn nên cần nuôi ít nhất 3 con. Những chú ốc to bằng nắp chai thì diện tích sống tối thiểu là 20 x 30 cm. Những bể nuôi chật thì ốc không thể sống lâu, bể nuôi càng rộng thì sức tăng trưởng của ốc càng cao.

Mô hình nuôi ốc không hề dễ hơn mô hình nuôi cá chép, nuôi ếch, cần rất nhiều sự tỷ mỉ và đầu tư. Khuyến khích việc nuôi kết hợp nhiều loại ốc với nhiều loài. kích cỡ khác nhau. Vệ sinh hồ nuôi là yếu tố cần thiết, hỗ trợ ốc sinh sống tốt hơn trong hồ nuôi. Người nuôi cần vệ sinh cát, thay cát. phun thêm nước muối, quan sát và đếm số lượng ốc, không nên vệ sinh hồ nuôi khi ốc đang lột xác. Bể nuôi sẽ có mùi do cách cho ăn, rửa chén , thức ăn tươi sống,.. Người nuôi cần thay đổi cách cho ăn và thói quen vệ sinh.

Việc trang trí hồ nuôi ưu tiên các loại đá, san hô tự nhiên, tránh những vật dụng bằng nhựa, chất lượng kém. Ốc mượn hồn là loài thích leo trèo nên cần bố trí nhiều đá và san hô. Việc xếp đá da vôi vào hồ không nên xếp thành hang vì sẽ khó quan sát ốc.

Ốc có thói quen kẹp càng nó vào bất kì thứ gì nó bám vào nên khi cầm nắm cần cẩn thận, có thể bị cắn, gây chảy máu. Ngoài ra, ốc mượn hồn có giai đoạn lột xác, thay vỏ mới lớn hơn để chứa cơ thể, các bạn có thể dự trữ sẵn vỏ cho ốc. Việc thay vỏ là tập tính hoàn toàn tự nhiên, các bạn không tự lôi vỏ vì sẽ gây tổn thương cho ốc.

Khi ốc chết, người nuôi nên quan sát , tìm hiểu nguyên nhân và giữ lại vỏ ốc cho ốc khác. Cách giao tiếp của các loại ốc mượn hồn là dùng râu chém lia lịa vào nhau. Một điều đặc biệt là ốc có khả năng xếp hàng theo thứ tự để đổi vỏ cho nhau.

TRÀO LƯU NUÔI ỐC MƯỢN HỒN CỦA GIỚI TRẺ 4

TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN CỦA THÚ CHƠI

Chính từ hiệu quả kinh tế mang lại cho người kinh doanh ốc mượn hồn, nhiều cửa hàng bán ốc đã mở ra, kéo theo nguồn cung, các trang trại nuôi ốc mượn hồn. Từ ý tưởng ban đầu nuôi ốc mượn hồn với mục đích bảo tồn và làm cảnh. Tuy nhiên, sau một thời gian, nhiều hộ dân ở huyện đảo Lý Sơn nhận thấy việc nuôi ốc mượn hồn rất dễ, ít tốn công lại có nhiều người tìm mua chơi nên đã mạnh dạn nuôi với số lượng hàng nghìn con để bán.Bên cạnh việc thả nuôi, người dân đảo còn tự tìm bắt, đặt mua của một số người dân trên đảo để thả nuôi.

“Thị trường tiêu thụ ốc mượn hồn chủ yếu là ở các tỉnh, thành lớn trong nước, họ mua về nuôi làm cảnh, đặc biệt là giới trẻ. Thời gian nuôi từ nhỏ đến khi xuất bán khoảng 5-6 tháng, với giá 500.000 đồng/kg (khoảng 100 con/kg)”

Ngoài nuôi để tạo thêm nguồn thu nhập, người dân đảo còn chia sẻ thời gian gần đây, nhiều khu vực bờ biển ở Lý Sơn nơi ốc sinh sống bị bê tông hóa nên số lượng ốc giảm đi rất nhanh. Vì vậy, việc nuôi cũng là góp phần bảo tồn loài ốc này.

5/5 - (4 votes)
CHIA SẺ YÊU THƯƠNG

Leave a Comment

Shopping Cart