Trong thế giới động vật, loài tôm kí cư (cua ẩn sĩ, ốc mượn hồn) không chỉ nổi tiếng bởi hình dạng nhỏ bé, ngộ nghĩnh, mang trong mình đặc điểm của cả loài cua và ốc, mà còn thu hút sự chú ý bởi những tập tính sinh học thú vị như cộng sinh với hải quỳ.
TÔM KÍ CƯ LÀ CON GÌ?
Tôm kí cư cũng giống như ốc mượn hồn, thuộc họ giáp xác, chưa phát triển hoàn toàn do cái bụng mềm, vỏ cũng không cứng như các loài cua khác. Ngày xưa đi học, được biết tôm kí cư là các loài tôm sống trong vỏ ốc, chúng sử dụng vỏ ốc như là “nhà” của mình, cũng chính là lớp vỏ bảo vệ, khi chúng di chuyển thì mang theo cả cái vỏ ốc. Nhiều người cứ nghĩ tôm mà mang theo được vỏ ốc chắc là to lắm, cỡ phải ngón tay trở lên, nhưng thực ra không phải như vậy, có những con tôm kí cư nhỏ xíu.
Trong vỏ của con tôm kí cư này có một giống tôm khá lạ với một cái bụng rất mềm, trông rất hấp dẫn động vật ăn thịt. Cái đầu và càng ngoe của nó thì vẫn cứng như tôm sông hay biển. Điều khá đặc biệt là tôm này có thể thích nghi sống trên cạn hay dưới nước một cách dễ dàng. Do đặc tính cơ thể yếu đuối như thế, loài tôm này thường tìm cho mình một vỏ ốc nào đó đã chết và chui vào trong đó để an cư. Khi di chuyển hay đi kiếm mồi, chúng cũng di chuyển cả chiếc vỏ – ngôi nhà di động đi cùng. Chỉ có những lúc giao phối để duy trì nòi giống hoặc lột xác tìm vỏ mới thì chúng sẽ phải chui ra khỏi cái nhà ốc của mình. Khi gặp nguy hiểm chúng sẽ thụt vào vỏ và dùng các càng cứng như một tấm khiên, che kín phần đầu để bảo vệ cơ thể từ những mối nguy hại của kẻ thù, nằm bất động như con ốc!
HẢI QUỲ LÀ CON GÌ?
Hải quỳ là một nhóm động vật săn mồi sống dưới nước. Chúng có họ hàng với loài sứa, san hô hay thủy tức. Cấu trúc cơ thể của chúng khá đơn giản, bao gồm thân trụ dài, đầu xúc tu, một giác múc lớn dưới chân giúp chúng bám chặt vào các tảng đá lớn dưới đáy biển.
Loài này sống cố định và chỉ ăn thịt những loài phù du bơi ngang qua, không có tập tính đi tìm thức ăn. Bên cạnh đó cấu trúc cơ thể của loài ruột khoang không hỗ trợ nhiều cho việc di chuyển. Đây là một điểm yếu của chúng bởi đáy đại dương là nơi sinh sống của vô vàn loài động vật ăn thịt. Trong số đó, sao biển là một trong những kẻ thù nguy hiểm nhất của hải quỳ.
Sự tồn tại và cùng chung sống trên các rạn san hô của các loài hải quỳ đã làm tăng sự đa dạng của các hệ sinh thái san hô ở biển. Hải quỳ là những sinh vật có màu sắc đa dạng, hình dạng đặc biệt do vậy chúng có giá trị trên thị trường trong nước và thế giới. Hiện nay, nguồn lợi hải quỳ trong tự nhiên bị cạn kiệt, trong khi đó nhu cầu trong và ngoài nước cao, vì thế việc quản lý, bảo tồn hải quỳ là một thách thức cần được quan tâm đúng mức.
MỐI QUAN HỆ CỘNG SINH GIỮA TÔM KÍ CƯ VÀ HẢI QUỲ
Cộng sinh là hiện tượng cùng nhau chung sống trong thời gian lâu dài giữa hai hay nhiều loài sinh vật khác nhau. Đây là một khái niệm thuộc lĩnh vực sinh thái học, trong tiếng Anh là symbiosis, được cho là do Bennett đã sử dụng từ năm 1877, gốc từ “symbiosis” – để chỉ những người sống chung nhau trong một cộng đồng – để miêu tả quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa nấm và tảo trong địa y. Năm 1879, nhà nấm học người Đức Heinrich Anton de Bary đã định nghĩa sự cộng sinh “là sự chung sống cùng nhau của những sinh vật không giống nhau
Một số nhà khoa học cho rằng cộng sinh chỉ nên đề cập đế sự tương hỗ bền chặt, trong khi những người khác cho rằng nó nên áp dụng cho bất kỳ kiểu tương tác sinh học bền chặt (ví dụ như hỗ sinh, ký sinh, hội sinh).
Một mối quan hệ giữa hai cá thể (ở đây là tôm kí cư & hải quỳ) chỉ tồn tại được lâu dài nếu cả hai bên đều được lợi – đó là quy luật cộng sinh.
Loài hải quỳ thường cắm thân vào một bề mặt cứng hay những tảng đá dưới đáy biển và sống cố định ở đó. Tuy nhiên khi thức ăn khan hiếm hoặc mạng sống bị đe dọa thì loài ruột khoang này không còn cách nào khác phải bỏ nhà đi tìm chỗ trú ẩn an toàn. Khi đó, chúng sẽ bám lên vỏ của tôm kí cư (Hoặc cũng có trường hợp tôm kí cư chủ động cắp những con hải quỳ và gắn lên vỏ của chúng)
Sự hợp tác này cả 2 hai bên đều có lợi. Theo đó, khi các chú tôm kí cư này di chuyển thì hải quỳ được quá giang miễn phí và kiếm thức ăn trên đường đi. Trong khi đó, các con tôm kí cư lại được nguỵ trang và bảo vệ bởi những xúc tu đầy chất độc của vị khách quá giang này.
Chẳng phải hải quỳ mỏi chân và muốn đi nhờ, thật ra cả 2 đều được lợi: Tôm kí cư thì dùng hải quỳ để xua đuổi kẻ thù (vì hải quỳ có chứa độc tố trong những chiếc tua của mình). Hải quỳ dựa vào tôm kí cư mà di chuyển được và xua đuổi kẻ thù, giúp loài tôm nhút nhát này tồn tại . Cả hai bên đều có lợi. Đó là 1 kiểu cộng sinh điển hình trong giới động vật.