CÁCH NUÔI ỐC MƯỢN HỒN 1

CÁCH NUÔI ỐC MƯỢN HỒN

Khoảng 10 năm về trước về trước Ốc Mượn Hồn (Cua Ẩn Sĩ, Hermit Crab) được bày bán rất nhiều ở các cổng trường tiểu học trong thành phố. Những chú ốc mượn hồn được đựng trong những chiếc lồng sắt đã thu hút được rất nhiều ánh mắt tò mò của nhiều người. Một số bạn có gọi loài này là cua ẩn sĩ (dịch theo tiếng Anh – Hermit Crabs) Tuy nhiên, loài này có tên gọi chính thức ở nước ta là ốc mượn hồn nhé. Không như cái tên nghe có phần kì quái, “Ốc Mượn Hồn” lại rất hiền lành và dễ thương dưới ánh mắt của trẻ con vốn ít khi được thấy sinh vật đến từ biển cả này. Bản thân mình cũng thuộc thế hệ 9X và đã từng sở hữu rất nhiều ốc mượn hồn khi ấy. Tuy nhiên, những hiểu biết về cách nuôi ốc mượn hồn do không hiểu tập quán và điều kiện sống của sinh vật này khiến nhiều con sống không được bao lâu kể từ khi mua về. Dù vậy, ký ức về loài sinh vật đáng yêu sống trong vỏ ốc, hai chiếc càng xinh xinh và bò rất nhanh khi đặt trên mặt bàn này vẫn theo mình mãi khi lớn lên.

CÁCH NUÔI ỐC MƯỢN HỒN 2

Vậy ấn tượng của bạn là gì? Rẻ? dễ chơi? và … dễ chết:((( Hầu hết ai đó khi còn nhỏ có nghịch qua những chú ốc mượn hồn này đều gián tiếp giết chúng sau đó vài ngày. Lí do thì rất đơn giản, các bạn không biết nuôi, không biết chúng cần gì và vô tình giết chết chúng khi quá trớn. Ví dụ đơn giản như bạn cho chúng vào nước ngọt, hay nước muối mặn,… vài tiếng sau, hoặc nhiều nhất là qua 1 đêm, ốc của bạn đã chui ra khỏi vỏ và RIP. Tại sao vậy??? Bạn nên biết rằng, ốc mượn hồn mà bạn mua trước cổng trường là loại sống trên cạn, chúng không ở hoàn toàn trong nước nên việc bạn bỏ chúng vào nước đã làm chúng chết ngạt.

“Chắc hẳn có nhiều người trước đây cũng từng nuôi loài vật này nhưng chỉ sống được trong vài ngày hay vài tuần. Có lẽ vì thế mà ốc mượn hồn bị gán mác là không thể sống trong điều kiện nuôi nhốt. Điều đó hoàn toàn sai lầm.”

Trước thực tế đó, tác giả đã bỏ thời gian nghiên cứu nghiêm túc về ốc mượn hồn và mong muốn bài chia sẻ này có thể giúp các bạn biết cách nuôi ốc mượn hồn, hay nói đơn giản hơn là không làm chết chúng một cách oan uổng nữa.

Trong bài viết này mình sẽ giới thiệu cho các bạn những vật dụng và quy trình thiết yếu để có thể biết cách nuôi ốc mượn hồn một cách khoa học nhất.

CÁCH NUÔI ỐC MƯỢN HỒN

1. Chuẩn bị

– Bể nuôi: Để nuôi loài này, đầu tiên các bạn cần có một bể nuôi: Bể cá, hộp nhựa Lock & Lock, thau,… hay bất kì thứ gì đủ rộng và cao để ốc có đủ không gian sống và không thể bò ra ngoài. Tùy vào số lượng ốc bạn nuôi và kích thước của chúng để chọn cho chúng chỗ ở thật thoải mái. Có một lưu ý là các bạn không được dùng thùng giấy, xốp mà không có lưới mắt cáo bao quanh thùng phía bên trong vì ốc có thể cắn thủng và “Đưa nhau đi trốn”. Qua một thời gian nuôi, mình nhận thấy rằng bể kính nuôi cá là phù hợp để nuôi ốc nhất vì nó sạch sẽ và dễ lau chùi khi cần thiết. Nhưng để đơn giản, bạn hoàn toàn có thể lựa chọn phương án sử dụng hộp nhựa Lock & Lock.

– Chất nền: Chất nền trong bể nuôi ốc rất đa dạng miễn là nó có thể giữ ẩm, tơi xốp và đủ sâu để ốc có thể đào bới chui xuống ẩn nấp. Các bạn có thể dùng một số loại như cát biển sạch (Nếu dùng cát xây dựng thì các bạn nên rửa qua vài nước rồi phơi nắng cho khô), xơ dừa hoặc là rêu biển phơi khô. Bể nuôi trải lớp cát cao ít nhất là gấp đôi chiều cao của chiếc vỏ mà con ốc to nhất đang mang, chôn chìm chậu lan xuống cho chắc làm chỗ cho ốc ẩn náu. Theo quan sát của mình nhận thấy một số người nuôi không dùng chất nền trong hồ hay chọn những loại chất nền quá cứng không đủ sâu để ốc có thể chôn mình hoàn toàn, điều này thực sự sai lầm! Bể nuôi để nơi thoáng mát, không có nắng trực tiếp và mỗi ngày bạn phải dùng bình phun sương phun lên nền chuồng để duy trì độ ẩm cho ốc. Lưu ý: Cát không được quá khô, độ ẩm phải cao nếu không ốc sẽ chết. Vì độ ẩm liên quan mật thiết tới việc trao đổi không khí của chúng. Nếu bạn để chuồng nuôi có nắng gắt trực tiếp chiếu vào hoặc nơi quá nóng, bạn sẽ làm chúng chết ngạt chứ không phải chết vì mất nước.

– Hai máng nước: Một máng chứa nước muối pha loãng, máng còn lại chứa nước ngọt. Đặc biệt lưu ý nếu sử dụng nước máy thì phải được khử clo nếu không sẽ gây chết ốc. Các bạn có thể tra trên mạng cách khử clo trong nước máy. Nước đóng chai cũng có thể được sử dụng nhưng hãy chọn các sản phẩm có thương hiệu vì hiện nay đôi khi nước đóng chai chỉ đơn giản là nước máy được đổ trực tiếp vào bình không qua xử lý.
– Máng thức ăn: Máng thức ăn nên đủ rộng để ốc có thể bò vào. Nếu trong bể có cả những chú ốc to, nhỏ kích cỡ khác nhau thì các bạn nên dùng vài viên sỏi để phân chia máng thành nhiều phần tránh trường hợp chúng đánh nhau tranh giành thức ăn.

CÁCH NUÔI ỐC MƯỢN HỒN 3

– Đồ chơi trang trí: Ốc rất thích leo trèo và khám phá nơi ở. Chính vì vậy các bạn nên đặt các loại gỗ lũa, đá trang trí, cây giả để tạo một “sân chơi” cho chúng. Điều này có thể bị bỏ qua với nhiều người tuy vậy lại rất quan trọng bởi vì nếu ốc không được “tập thể dục” mỗi ngày có thể chúng sẽ bỏ ăn và trở nên chậm chạp.
– Tấm kính đậy bể: Nếu độ ẩm của bể quá thấp (dưới 50%), hoặc có hiện tượng ốc trèo ra khỏi bể thì các bạn có thể dùng một tấm kính để đậy bể. Tuy nhiên, nên lưu ý là chỉ nên che kín 50% để gió có thể lưu thông vào. Một bể nuôi nếu quá kín có thể phát sinh nấm mốc gây hại vì ẩm ướt.
– Máng đựng rong biển, mai mực: Rong biển và mai mực rất tốt cho ốc trong quá trình lột xác. Nếu không có mai mực bạn có thể tìm các sản phẩm có chứa canxi khác để thay thế miễn là nó đủ an toàn. Bạn có thể để chung vào máng đựng thức ăn cũng không sao.

– Bình phun sương: Tất nhiên rồi, bình phun sương là dụng cụ để bạn tưới lên bể ốc. Chú ý, đừng bao giờ phun trực tiếp lên ốc, chúng có thể phản ứng bằng cách chui ra khỏi vỏ đấy.
– Đồng hồ đo độ ẩm: Thật may mắn bới vì nước ta có khí hậu nhiệt đới gió mùa rất giống với môi trường sống của ốc mượn hồn ngoài tự nhiên. Tuy nhiên đối với khu vự miền Bắc có 4 mùa phân biệt thì mình khuyên bạn nên đặt thêm một chiếc đồng hồ đo độ ẩm trong bể (có thể mua ở các cửa hàng thiết bị y tế) để kiểm soát tốt nhất độ ẩm.

2. Cách chăm sóc ốc mượn hồn cơ bản

– Độ ẩm: Ốc mượn hồn là loài thở bằng mang vì vậy chúng cần môi trường độ ẩm cao để tồn tại. Theo mình biết, ốc sẽ hoạt động tốt ở độ ẩm 80 – 90% nhưng bạn chỉ cần giữ độ ẩm ở mức 70% là tối thiểu. Để tăng độ ẩm trong hồ mỗi ngày vào sáng sớm hoặc gần tối bạn nên dùng bình phun sương xịt nước vào bể để làm ẩm chất nền. Lưu ý là nước xịt vào cũng cần phải khử clo. Ngoài ra, theo nghiên cứu thì khi trời sắp mưa ốc mượn hồn cũng trở nên “tăng động” hơn vì vậy bạn có thể thúc đẩy những chú ốc quá nhút nhát ra ngoài bằng cách này.
– Thức ăn: Ốc mượn hồn ra ngoài kiếm ăn vào buổi tối nên các bạn cho chúng ăn từ khoảng 6 giờ chiều trở đi là hợp lí. Vì loài này ăn tạp nên thức ăn cho chúng cũng rất dễ kiếm. Nhưng không vì thế mà chúng có thể ăn một loại thức ăn mãi. Ngày trước mình chỉ toàn cho chúng ăn cơm nguội :))) Bạn có thể cho ốc ăn trái cây chín ngọt (không có axit), rau, cỏ, thịt, cá tươi hoặc chín. Chú ý là khi chế biến thức ăn thì không được bỏ thêm dầu hay bất kì loại gia vị nào mà chỉ luộc cho chín thôi. Ngoài ra, nếu quá bận rộn hay không có điều kiện chuẩn bị thức ăn tươi thì thực phẩm cho cá cảnh có thể được thay thế. Nhưng lưu ý là chỉ nên dùng nếu thực sự không có điều kiện cung cấp các loại thức ăn khác. Thỉnh thoảng trộn thêm bột canxi hay thả vào chỗ nuôi vài miếng mai mực để bổ sung canxi cho ốc. Máng thức ăn nên được thay mỗi ngày, tránh thiu, mốc.

CÁCH NUÔI ỐC MƯỢN HỒN 4

– Nước ngọt: Các bạn có thể dùng nước đóng chai hoặc nước máy đã khử clo như nói trên. Còn với nước mặn các bạn pha với tỷ lệ 30g/1l nước. Máng nước có thể được thay 2-3 ngày một lần.

– Muối: Ốc có nguồn gốc từ biển hay cửa biển nên chúng cần muối dù không sống trong nước biển. Tài liệu nước ngoài cũng nói nên cho thêm 1 máng nước muối để chúng ngâm, còn mình rắc muối trắng vào nền bể vào ban đêm, 1 tháng vài lần, ốc sẽ nhặt muối và ăn luôn. Lí do là chúng cần muối để cân bằng chất trong cơ thể. Nếu thiếu muối chúng sẽ trở nên, chậm chạp, ì ạch và thích ngủ cả ngày. Thêm nữa rằng chúng cũng cần muối để lột xác, nếu cơ thể thiếu muối sẽ gây ức chế lột xác ở ốc (vì là loài giáp xác nên chúng lột xác để lớn), khiến chúng không thể thoát khỏi bộ giáp cũ. Lí tưởng nhất thì các bạn có thể dùng muối hạt (muối biển nguyên chất).

3. Một số tập tính cơ bản của ốc mượn hồn

Ốc mượn hồn có khá nhiều tập tính đặc biệt. Mình sẽ tổng hợp trong phần Blog cách nuôi ốc mượn hồn. Ví dụ như:

– Sống bầy đàn: Bạn phải sở hữu ít nhất 1 chú ốc. Tại sao ư? Bởi vì ốc mượn hồn là loài có tập tính sống theo bầy đàn. Nếu bạn chỉ nuôi 1,2 con trong bể thì nó sẽ “tự kỉ” đó.

– Thay vỏ ốc: Điều quan trọng trọng cách nuôi ốc mượn hồn là ốc không thể tạo được cái vỏ cho riêng mình mà dùng vỏ của loài ốc khác. Đơn giản là chúng chui vào 1 chiếc vỏ ốc có sẵn rồi dùng nó làm “nhà” luôn. Khi lớn lên, vỏ chật thì chúng phải thay, bạn cũng không thể mặc một chiếc áo năm 10 tuổi khi bản thân đã 20 tuổi phải không? Ốc rất kén chọn, chúng thích một chiếc vỏ vừa vặn, nên bạn phải thả vài chiếc vỏ một lúc để chúng có thể thử. Trong trường hợp không có vỏ ốc biển, bạn có thể dùng vỏ ốc nước ngọt, ví dụ như vỏ ốc đá, vỏ ốc sên tuy xấu xí nhưng nếu thoải mái cho chúng thì không sao, cơ bản nhất là chúng thích chiếc vỏ mới và chịu chui vào trong để tiếp tục sống và lớn lên. Nếu có nhiều sự lựa chọn chúng có thể thử từng cái một hoặc nếu vô tình gặp chiếc vỏ đẹp, chúng có thể bỏ vỏ cũ ngay, cho dù vỏ cũ không chật.

– Lột xác: Đây là quá trình quan trọng trong cuộc đời của ốc. Khi muốn lột xác, chúng sẽ biến mất khỏi bể…bạn đừng lo lắng mà tìm chúng, vì thực ra chúng đào một cái lỗ nhỏ trên nền chuồng và chui xuống đó (thường sâu vài cm). Đây là lí do phải dùng cát làm nền bể nuôi, nếu dùng xơ dừa hay rêu biển phơi khô thì ốc sẽ không tạo được hang. Khi muốn lột xác chúng cũng mang luôn cái vỏ ốc xuống để núp vào khi cơ thể đang mềm oặt. Đừng làm phiền chúng vì lúc này chúng cực kì yếu ớt và dễ chết. Toàn bộ những bộ phận đã gãy của ốc sẽ được tái tạo lại khi chúng lột xác (nếu ốc của bạn thiếu 1 chân hoặc 1 càng thì đừng ngạc nhiên khi chúng xuất hiện trở lại full option). Sau khi lột xác xong, chúng sẽ ăn cái xác cũ của chúng để bù lại phần canxi bị hao hụt. Một số trường hợp ốc quá yếu, không đào được lỗ trên nền và lột xác ngay trên bề mặt thì bạn phải tách riêng ra và giữ lại cái xác cũ để chúng ăn, tránh trường hợp ốc khác ăn mất.

Đó là một vài chia sẻ của mình về cách nuôi ốc mượn hồn. Hi vọng sau khi đọc xong bài viết này các bạn đã có thể tự mình chăm sóc những chú ốc mượn hồn của mình một cách tốt nhất.

Thân.

4.4/5 - (19 votes)
CHIA SẺ YÊU THƯƠNG

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Shopping Cart